Tinh túy nằm ở sự đơn giản chứ không phải ở màu mè hoa lá cành.
Tử Vi thời phong kiến rất đơn sơ và giản dị, mỗi sao phụ tinh mô tả bằng vài ba dòng. Chính tinh và các cách cục thì nhiều hơn, nhưng chú trọng vào các ý chính.
Theo thời gian, môn Tử Vi có sự kế thừa và phát triển, lúc thịnh lúc suy, có lúc "biến tướng" đến hơn 200 sao. Có lúc lại thu gọn về 50 sao.
.
Cơ bản ý tứ của các cụ khi đem Thần Sát vào môn Tử Vi là khá rõ ràng. Mỗi Thần Sát đại diện cho 1 ý nghĩa rõ ràng nào đó, nên thường chỉ được miêu tả bằng 1-2 dòng là đủ.
Trường hợp 1 vị trí mà có 2 tính chất khác nhau, thì các cụ vẽ luôn ra 2 sao để mô tả 2 tính chất đó. Thế nên tưởng chừng như là "thừa", thực ra là vừa đủ. Chúng ta sẽ thấy có những cặp sao luôn đồng cung với nhau (ví dụ Long Trì và Quan Phù, Thiếu Dương và Thiên Không, Lộc Tồn và Bác Sĩ...).
.
Thế nhưng thời hiện đại dần cách học Tử Vi của lớp trẻ trở nên lệch lạc đến khó hiểu. Bất kỳ sao nào cũng cố nhồi nhét đủ thử hoa lá cành vào. Sao này cũng vẽ rắn thêm chân, múa may loạn xạ đủ thứ. Sao nào cũng cố viết ra thật dài, càng dài càng tốt. Vô hình chung chúng ta thấy sao nào cũng quan trọng, sao nào cũng có linh hồn, sao nào cũng ẩn giấu "vị thần" phía sau đó.
Cái kiểu Tử Vi này đọc thì vui tai nịnh mắt, chứ đem áp dụng thì rối bời, bởi vì 1 lá số có cả trăm sao, sao nào cũng vẽ vời ra như vậy, chẳng biết trọng tâm là ở đâu.
.
Thế mới sinh ra những thứ "quái thai" như là Tử Vi Chữa Lành, Tử Vi Phật Pháp ....
Thế mới sinh ra tình trạng 1 sao viết cả chục trang tính chất.
Thế mới sinh ra những bài luận đoán 500 trang, thực ra toàn chữ nghĩa vô dụng.
.
Cách học của rất nhiều người hiện nay là bị ngập trong mớ hỗn độn quá nhiều thông tin. Nên họ sợ bỏ sót, sợ mình chưa tiếp nhận đủ, sợ lỡ mất cái hay cái đẹp.
Nên cái gì cũng nhồi nhét vào, cái gì cũng ghi nhận lại. Như vậy lại càng dở. Đọc sách A ghi lại vài câu, sách B ghi lại vài đoạn, rồi lên mạng lùng sục ông C ông D viết thế nào về những sao đó, ghi chép lại hết, thành một mớ hỗn độn.
.
Cách học Tử Vi của nhiều người hiện nay cũng dẫn đến tình trạng: thổi phồng quá mức tính chất của 1 sao nhỏ, coi đó là nguyên nhân vấn đề.
Lấy ví dụ: 1 món ăn ngon, trước hết phải có nguyên liệu ngon. Nguyên liệu tốt rồi thì phải chế biến giỏi. Sau đó phải có gia vị chính (mắm, muối.... ) rồi mới đến những gia vị phụ như là hạt tiêu, hành lá, sa tế ....
Nhưng chỉ vì 1 chút hạt tiêu, 1 chút hành lá dậy mùi, mà vội vàng cho rằng đó là linh hồn của món ăn, là nguyên nhân dẫn đến thành công của món ăn, thì là sai lầm hoàn toàn.
.
Rất nhiều sao nhỏ trong Tử Vi, chỉ là gia vị tô điểm thêm cho luận đoán. Cần phải biết phân định nặng - nhẹ. Chứ hổ lốn đổ vào, xem các sao phụ như là những vị "chiến thần" có uy lực tuyệt đối như cách học hiện nay, thì môn Tử Vi sẽ càng ngày càng đi vào ngõ cụt và suy tàn.