Thiên Hình - Thiên Diêu - Thiên Y

 

1. Mặt xấu của Thiên Hình và Thiên Diêu

Ø Trong Tử Vi có 3 sao là "hình tinh". Khi gặp những câu phú, những nội dung trong các sách cổ có để cập đến việc: tránh gặp sao hình, e ngại gặp hình tinh… thì chúng ta phải để ý đến cả 3 sao: đó là Thất Sát, Kình Dương và Thiên Hình.

Ø Thiên Hình - Thiên Diêu là sao an theo tháng sinh. Nên cũng giống như Tả Phụ - Hữu Bật, sao Thiên Hình - Thiên Diêu có vai trò của môi trường, quan hệ gần gũi, đồng nghiệp, thân tín, họ hàng ảnh hưởng đến mình. Vì vậy mà đôi khi người có mệnh Thiên Hình - Thiên Diêu không thể hiện bản tính của 2 sao này. Đừng nên dựa vào 2 sao này để khẳng định về tính cách, phẩm chất của một người. Chúng ta chỉ phân tích về những hoàn cảnh người đó gặp phải mà thôi.

Ø Tả Phụ - Hữu Bật là sự trợ lực của cấp dưới, anh em, bạn bè, thân tín gần gũi. Thì sao Thiên Hình - Thiên Diêu là sự cạnh tranh, cướp đoạt, phân chia tài vật, phân chia tình cảm. Trong đó Thiên Hình thiên về tài sản, sự nghiệp. Còn Thiên Diêu lại thiên về chuyện tình cảm, tình dục.

Thiên Hình - Thiên Diêu đại diện cho mặt xấu, môi trường không thân thiện, bạn bè, anh em, đồng nghiệp không hòa hợp nên tranh đấu với nhau để cướp đoạt.

Ø Thiên Hình cạnh tranh để cướp đoạt tài vật, so đo tính toán, công kích lẫn nhau, không chịu kém cạnh, ngăn cản nhau để thu lợi về cho mình.

Vì vậy khi gặp Thiên Hình ở vận thì dễ đưa nhau ra công đường xét xử. Nếu không thì cũng có nhiều mâu thuẫn, bất hòa. Mà lại thường đến từ những mối quan hệ thân thiết, gần gũi.

Ø Thiên Diêu cạnh tranh về mặt tình cảm. Chen vào chuyện hôn nhân hay tình yêu của người khác. Cạnh tranh công kích nhằm thu lợi về mặt tình cảm cho mình.

Vì vậy khi gặp Thiên Diêu ở vận thì có chuyện rắc rối về tình cảm, thất tín, thất tình, kẻ thứ 3 chen vào. Sử dụng âm mưu thủ đoạn mờ ám.

Ø Thiên Hình cũng có những lúc tranh đoạt tình cảm, nhưng công khai hiển hiện hơn, không dùng thủ đoạn mờ ám, mà dùng năng lực sức mạnh của mình để cướp đoạt.

Ø Thiên Diêu cũng có những lúc tranh đoạt tiền bạc, địa vị. Nhưng ngấm ngầm sử dụng âm mưu thủ đoạn mờ ám. Không quang minh chính đại.

 

2. Mặt tốt của Thiên Hình và Thiên Diêu

Ø Như đã nói ở trên, Thiên Hình và Thiên Diêu đôi khi không thể hiện rõ trong đặc điểm tính cách của một người. 2 sao này là những môi trường gần gũi, là đồng nghiệp, anh em, bạn bè gây ra sự ảnh hưởng.

Do vậy nếu mệnh có chính tinh vững vàng, có nhiều cát tinh, không gặp hung sát tinh. Thì sao Thiên Hình và Thiên Diêu không gây ra ảnh hưởng xấu, mà ngược lại còn có những ý nghĩa tốt nhất định.

Tức là những người thân cận xung quanh không tốt lắm, nhưng vì bản thân có tính cách tốt đẹp, có bản lĩnh, nên không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ø Mặt tốt của Thiên Hình là nhờ có sự ngăn cản, cạnh tranh cho nên bản thân phải suy tính kĩ càng, phải kiềm chế bản thân. Lòng tự tôn cao, độc lập tự chủ, kiên nghị không khuất phục, quả cảm không vội vã, độc lập không bầy đàn.

Nếu đi kèm với quyền tinh, quý tinh thì càng tốt đẹp. Lợi cho phát triển sự nghiệp. Hành động vững chắc, ăn nói tốt và quả cảm. Làm võ tướng hay quan văn đều lợi.

Trong nghiên cứu khoa học, Thiên Hình là sự ý thức về việc tranh đoạt công lao, là sự cạnh tranh gay gắt của người khác, khiến cho bản thân thận trọng suy xét kĩ càng trước khi đưa ra nhận định hay kết luận. Thiên Hình lợi cho những ngành nghiên cứu cần sự phân tích tỉ mỉ, chi tiết, đào sâu vào vấn đề.

Ø Mặt tốt của Thiên Diêu là phong lưu. Về bản chất đó cũng là sự tham lam muốn chiếm hữu tình cảm, ham muốn tình dục.

Ranh giới giữa tốt và xấu nhiều khi cũng rất mong manh.

Khi ở vị thế không tốt (không đào hoa, không có tài lực, không có vị thế tốt), thì phải dùng nhiều thủ đoạn để thu hút tình cảm của người khác. Từ đó mà nảy sinh hành động xấu.

Khi ở vị thế tốt (đào hoa, có tài lực, có vị thế), thì không cần cố gắng nhiều, cũng có nhiều mối duyên tình tự đến với mình.

Xã hội thời xưa ngưỡng mộ những tài tử phong lưu. Trai phải năm thê bảy thiếp. Ngoài ra đàn ông nếu vui chơi chốn kĩ viện lầu xanh, làm thơ đàn hát với kĩ nữ, thì còn được khen ngợi.

Trong xã hội hiện đại thì phong lưu có lợi cho giao tiếp, kết nối các mối quan hệ, nhưng nếu không có sự kiềm chế tốt, thì lại gây ra nhiều hậu quả, gây ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình. Cho nên nhìn chung sao Thiên Diêu ở xã hội hiện đại không mấy khi có ý nghĩa tốt.

 

3. Thiên Hình trong Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư

(Phần chữ đậm là nguyên gốc trong sách. Phần chữ in nghiêng là chú giải)

Hi Di tiên sinh viết:

Thiên Hình thủ Mệnh Thân thì không là tăng đạo thì nhất định sẽ cô đơn hình khắc, không nghèo thì cũng yểu tử. Phụ Mẫu Huynh Đệ đều không được toàn vẹn, nhị hạn mà gặp thì chủ xuất gia, dính vào pháp luật, lao ngục, mất tiền. Khi nhập miếu thì lại tốt lành.

Thiên Hình ở trong môi trường có nhiều sự cạnh tranh nên cũng vì đó mà cô độc hơn, khó hòa hợp với người xung quanh. Kể cả với những người thân cận như bố mẹ, anh em cũng có thể có sự tranh chấp với nhau. Đó là mặt xấu của sao Thiên Hình. Khi mệnh - thân có Thiên Hình thì dễ vướng vào những việc tranh chấp như vậy, kể cả với người thân.

Thiên Hình nhập miếu nhưng với điều kiện phải đi cùng cát tinh, quyền tinh thì mới đạt được hiệu quả tốt đẹp. Nếu đi cùng sát tinh hoặc kỵ tinh thì vẫn không tốt.

Ca viết:

Thiên Hình chưa chắc phải hung tinh

Nhập miếu gọi là Thiên Hỉ Thần

Xương Khúc cát tinh cùng tấu hợp

Định là hiến kế tới triều đình

Hình cư Dần vị và Dậu Tuất

Lâm vào cung Mão cũng quang minh

Gặp được văn tinh thành đại nghiệp

Trấn thủ biên cương trăm vạn binh

Thứ ba, không con bởi Thiên Hình

Là tăng là đạo thân cô linh

Thiên Khốc nhị tinh mà cùng đến

Cả đời khó thoát tật thân mình.

 

4. Thiên Diêu trong Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư

(Phần chữ đậm là nguyên gốc trong sách. Phần chữ in nghiêng là chú giải)

Hi Di tiên sinh viết:

Thiên Diêu thủ Thân Mệnh thì tâm tính âm độc, đa nghi lo sợ, nhan sắc đẹp, phong lưu lắm tì thiếp, chủ dâm dật.

Thiên Diêu cũng là ám tinh (cùng với Đà La, Hóa Kỵ thành bộ tam ám). Trong những điều kiện và môi trường xấu thì nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, có nhiều âm mưu thủ đoạn.

Nhập miếu vượng thì chủ phú quý lại có lắm người hầu hạ, cư ở Hợi có học thức.

Thiên Diêu ở nơi miếu vượng thì có vị thế tốt, tiền tài nhiều, nhờ đó mới trở nên phong lưu được. Tuy nhiên lưu ý đây chỉ là 1 sao nhỏ, không nên quá xem trọng Thiên Diêu. Nếu hội thêm nhiều cát tinh mới có thể kết luận là vừa phú quý vừa phong lưu.

Hội ác tinh thì phá gia bại sản, vì sắc dục mà phạm vào hình pháp. Lục hợp trùng phùng thì thiếu niên yểu chiết. Nếu lâm hạn có Thiên Diêu thì vẫy người gọi vào thành hôn mà chẳng có mai mối gì cả.

Khi hội hung sát tinh thì khó kiểm soát bản thân, vì sắc dục mà phạm pháp, vì tham lam tranh đoạt tình cảm mà gây ra họa. Phụ nữ thời xưa vì Thiên Diêu mà kết hôn sớm, không cần mai mối, ý là bạo dạn trong chuyện tình cảm.

Nếu có Tử Vi và cát tinh thêm vào nữa thì cương nhu tương hợp nên chủ "phong tao", thêm Hồng Loan thì càng dâm, thêm Kình Hình thì chủ yểu vong.

Phong Tao (風騷): một từ ám chỉ dáng dấp cử chỉ thanh tú đẹp đẽ. Nếu Thiên Diêu gặp cát tinh thì dáng hình đẹp đẽ, phong lưu thanh tú.

Nhưng nếu gặp dâm tinh thì sẽ tăng mức độ ham muốn tình dục lên cao.

Ca viết:

Thiên Diêu ở Tuất Mão Dậu cung

Thêm nhập song ngư một sao mong

Phúc hậu sinh thành mê tửu sắc

Vô tai vô họa trải Xuân Thu

Thiên Diêu ở với bại tinh cùng

Hiệu viết người ta tính kiêu căng

Bình sinh cay đắng một đời vậy

Chẳng được an vui với gió trăng

Người ta đôi lúc gặp Thiên Diêu

Luyến sắc tham hoa tính hung liều

Nếu mà sao ấy sinh vượng địa

Dù đăng cực phẩm cũng phong tao.

 

5. Nhận định về an sao Thiên Hình - Thiên Diêu

Ø Thiên Hình, Thiên Diêu an theo tháng sinh. Thiên Hình khởi ở cung Dậu, Thiên Diêu khởi ở cung Sửu đếm thuận đến tháng sinh. Hình Diêu luôn tam hợp với nhau.

Đây là những sao an theo tháng sinh nên có vai trò và sức mạnh tương tự như cặp Tả Phụ - Hữu Bật.

Thiên Hình, Thiên Diêu trái lý âm dương với Tả Phụ - Hữu Bật.

Ta xét cung Mệnh - Tài - Quan và tam hợp cường cung Phúc - Di - Phối.

Nếu sinh tháng dương, giờ dương. Các cung này gặp được Tả Hữu Xương Khúc.

Nếu sinh tháng âm, giờ âm. Các cung này gặp Hình Riêu Không Kiếp.

Nếu sinh tháng âm, giờ dương. Các cung này gặp Tả Hữu Không Kiếp.

Nếu sinh tháng dương, giờ âm. Các cung này gặp Hình Riêu Xương Khúc.


Ø Tả Phụ khởi tại Thìn. Thìn thuộc về dương Thổ, là nơi dương khí đang thịnh dần lên mà biến hóa, Thìn vừa tàng Mộc lại tàng Thủy. Do vậy sao Tả Phụ khởi ở đây xông xáo, năng động. Tuy vậy Thìn cũng là đất Thiên La, không dễ để sử dụng Tả Phụ.

Ø Thiên Hình khởi tại Dậu. Dậu là nơi vượng nhất của ngũ hành Kim, mang tính sát. Cũng ứng với mùa thu tiêu điều xơ xác. Do vậy sao Thiên Hình khởi ở đây nhẹ thì cạnh tranh, tính toán, giảm nhân duyên. Nặng thì có sát khí, cướp đoạt quyết liệt, tố nhau ra công đường.

Ø Thiên Diêu khởi tại Sửu. Sửu thuộc về âm Thổ, là nơi tranh tối tranh sáng, Sửu vừa tàng Thủy lại tàng Kim. Do vậy sao Thiên Diêu khởi ở đây vằ có tính âm ám, sắc dục của ngũ hành Thủy, vừa có sự tranh đấu cướp đoạt của ngũ hành Kim, nhưng theo cách ngầm ẩn kín đáo.

 

6. Sao Thiên Y

Ø Sao Thiên Y luôn đồng cung với Thiên Diêu. Vậy tại sao cùng một vị trí mà lại có đến 2 sao?

Trường hợp 2 sao giống hệt nhau cùng an một vị trí không hiếm gặp trong lá số Tử Vi. Bởi vì người xưa khi đặt ra thần sát - sao nhỏ. Thì luôn muốn phân định rõ ràng tốt - xấu. Cho nên ở vị trí này vừa có yếu tố tốt, vừa có yếu tốt xấu, có 2 hướng lựa chọn, đặt ra 2 sao thể hiện 2 thiên hướng đó.

Tính chất sơ khai của các sao nhiều khi rất đơn giản và ngắn gọn. Nhưng vì nhu cầu muốn giải thích và tô vẽ thêm, người học Tử Vi về sau đã nhồi nhét, thêm vào quá nhiều tính chất cho sao. Dẫn đến môn Tử Vi trở nên tam sao thất bản, rắc rối khó học, xa rời bản chất.

Ø Sao Thiên Y chỉ có duy nhất một nghĩa ngắn gọn: sạch sẽ, cẩn thận, cứu giải bệnh tật.

Đây có thể xem như là một sáng tạo của Tử Vi Việt Nam, sao này không có trong các sách Tử Vi Trung Quốc.

 

7. Suy đoán nguồn gốc sao Thiên Y

Ø Nguồn gốc sao Thiên Y có thể đến từ thần sát Bệnh Phù nhưng áp dụng cho chi tháng.

Thần sát Bệnh Phù (khác với Bệnh Phù thuộc vòng Bác Sĩ) là một thần sát an theo chi năm, đứng sau Thái Tuế một thời. Ví dụ năm Dần thì Bệnh Phù ở Sửu, năm Mão thì Bệnh Phù ở Dần.

Khi đưa thần sát này vào Tử Vi, người xưa đã đổi tên và gọi là sao Trực Phù, đứng sau Thái Tuế. Còn tên Bệnh Phù được sử dụng cho một sao khác thuộc vòng Bác Sĩ.

Thần sát Bệnh Phù với ý nghĩa: chủ tai bệnh. Cựu Tuế tất suy, suy thì là bệnh tật.

Thiên Y cũng an với cách thức tương tự. Tháng Dần thì Thiên Y ở Sửu, tháng Mão thì Thiên Y ở Dần …

Ø Khi lập ra sao Thiên Diêu, người xưa nhận thấy vị trí này còn có ý nghĩa về bệnh tật. Khi xấu là nhiều bệnh, đau ốm, tai ách. Nhưng khi tốt là có ý thức về sức khỏe, cẩn thận, đề phòng bệnh tật.

Nhưng vì không muốn một Thần Sát mang quá nhiều ý nghĩa. Người xưa đặt ra một sao khác bên cạnh sao Thiên Diêu để mô tả rõ hơn ý nghĩa bệnh tật (khác hẳn với ý nghĩa phong lưu, dâm tính, tranh đoạt tình cảm của Thiên Diêu).

Ø Sao Thiên Y như là lời nhắc nhở của người xưa về bệnh tật. Cần phải cẩn thận, sạch sẽ, đề phòng. Vì đây không phải là vị trí vượng. Dễ gặp bệnh tật.

Do vậy chúng ta hiểu thêm một ý nghĩa khác của vị trí Diêu - Y: đó là hay gặp phải hoàn cảnh, môi trường, bạn bè, thân hữu có nhiều ốm đau, bệnh tật, cần đề phòng.

Gặp sao Thiên Y nếu đi theo nghề Y thì có thể xem như biến họa thành phúc, biến nhược điểm thành ưu điểm. Thường xuyên làm việc trong môi trường bệnh tật, nhưng bản thân lại cẩn thận phòng ngừa, khó mắc bệnh.

Ø Tuy vậy dù sao đây cũng là phụ tinh. Nên gặp một người có Thiên Y thì đừng vội vàng khuyên theo nghề Y. Nghề Y đòi hỏi trình độ cao, sự đam mê, kiên trì nhẫn nại, lượng kiến thức lớn. Chỉ một sao Thiên Y là chưa đủ để gọi là phù hợp với nghề Y.




Share: